Định hướng xúc tiến đầu tư theo ngành, lĩnh vực của tỉnh Ninh Bình năm 2023
Theo Quyết định, mục tiêu định hướng theo ngành, lĩnh vực của tỉnh đó là tập trung thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn cho ngân sách, ít thâm dụng lao động, sử dụng tiết kiệm đất, hiệu quả đầu tư cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Ảnh minh hoạ
1. Lĩnh vực Công nghiệp: Thu hút dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ số, chế tạo thông minh, sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, sản xuất nông nghiệp, các dự án có nguồn thu lớn và sử dụng công nghệ cao gắn liền với bảo vệ môi trường.
2. Lĩnh vực Nông nghiệp: Thu hút nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xanh, sạch, hữu cơ, đặc hữu hướng tới phục vụ du lịch; dự án nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ lai tạo giống cây trồng, vật nuôi; ứng dụng khoa học công nghệ nuôi trồng thủy sản; phát triển sản phẩm chủ lực, đặc sản (OCOP) theo hướng hữu cơ gắn với phát triển du lịch bền vững. Các dự án liên kết chuỗi giá trị như: trang trại tổng hợp chất lượng cao khép kín (sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm) gắn với vùng nguyên liệu tập trung; quản lý ứng dụng nông nghiệp số (sản xuất, tiêu dùng và truy xuất hàng hóa).
3. Lĩnh vực Thương mại - dịch vụ: Thu hút các dự án trung tâm thương mại, dịch vụ hiện đại; tổ hợp khu vui chơi, giải trí chất lượng cao; phân khu trung tâm kinh doanh dịch vụ, khách sạn 5 sao cao cấp, khu vui chơi giải trí theo chủ đề; tổ hợp khách sạn, resort, nghỉ dưỡng có quy mô lớn tiêu chuẩn 4-5 sao gắn liền với các khu, điểm, tuyến du lịch để hình thành chuỗi dịch vụ du lịch đa dạng có giá trị kinh tế cao. Ưu tiên thu hút đầu tư hạ tầng du lịch, hạ tầng thương mại, đầu tư khai thác và quản lý mạng lưới chợ đầu mối, chợ nông thôn, chợ đêm.
4. Lĩnh vực Văn hóa - xã hội: Thu hút xây dựng bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa; đầu tư khôi phục các lễ hội, làng nghề và các giá trị văn hóa truyền thống; các dự án làng nghề, tiểu thủ công nghiệp truyền thống gắn với văn hóa đặc trưng của địa phương như thêu ren, cói, gốm sứ... ; Các dự án xây dựng trung tâm, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao; giáo dục mầm non, trường liên cấp ngoài công lập chất lượng cao; các dự án đào tạo đa ngành, nghề gắn với tiếp nhận và sử dụng lao động đa dạng, phù hợp nhiều lứa tuổi; dự án Bệnh viện tư nhân đạt chuẩn; dự án sản xuất dược phẩm, thuốc chữa bệnh; sản xuất trang thiết bị y tế.
5. Lĩnh vực Hạ tầng: Thu hút các dự án đầu tư và kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; dự án xây dựng khu đô thị; khu nhà ở xã hội; dự án hạ tầng logistics.
Đối với định hướng theo đối tác đầu tư, tỉnh tiếp tục duy trì các thị trường và đối tác truyền thống (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan…); đồng thời mở rộng xúc tiến thu hút đầu tư các đối tác có công nghệ cao, công nghệ nguồn, đứng đầu các chuỗi cung ứng và là thành viên của hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP như Hoa Kỳ, Canada, EU, Singapore, Australia, New Zealand; Chủ động tìm hiểu xu hướng đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước để tiếp cận, kết nối đầu tư vào những ngành nghề tỉnh có lợi thế.
Tỉnh mong muốn thông qua công tác định hướng xúc tiến đầu tư theo ngành, lĩnh vực của tỉnh Ninh Bình sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; duy trì kết quả thu hút đầu tư hằng năm của tỉnh đảm bảo cả về số lượng và chất lượng dự án thu hút đầu tư. Phấn đấu trong năm 2023 vốn đầu tư đăng ký mới tăng 10% so với năm 2022.