;"
UBND tỉnh nghe báo cáo Đồ án quy hoạch phân khu đô thị trong điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Tam Điệp đến năm 2045
Lượt xem: 165
Chiều ngày 19/5/2025, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì Hội nghị nghe báo cáo Đồ án quy hoạch phân khu đô thị trong điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Tam Điệp đến năm 2045. Cùng dự có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố.
anh tin bai

Quang cảnh hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe đơn vị tư vấn trình bày báo cáo các quy hoạch phân khu đô thị trong điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040 gồm có: Quy hoạch phân khu khu đô thị hiện hữu (1-1); Quy hoạch phân khu khu vực Bái Đính (khu 4); Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu các khu vực trong Quần thể danh thắng Tràng An (các khu 3-1, 3-2, 3-3 trong Quy hoạch chung Đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050).

Đối với quy hoạch phân khu khu đô thị phía Bắc (Khu 1-3) trong điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040. Phạm vi và ranh giới: Phạm vi nghiên cứu thuộc phường Ninh Giang, phường Ninh Mỹ, phường Ninh Khánh, xã Ninh Hòa, xã Ninh Nhất, xã Ninh Khang, thành phố Hoa Lư; một phần xã Gia Tân, huyện Gia Viễn; được xác định cụ thể như sau: Phía Đông giáp sông Đáy; Phía Tây giáp sông Chanh; Phía Bắc giáp sông Hoàng Long; Phía Nam giáp Khu đô thị hiện hữu (khu 1-1 theo Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040); Quy mô diện tích Quy hoạch khoảng 2.326 ha; Quy mô dân số khoảng 150.000-155.000 người. Quy hoạch này dựa trên 5 kế thừa: cấu trúc phát triển, mô hình đô thị; hệ thống hạ tầng xã hội; hệ thống hạ tầng kỹ thuật; hệ thống liên kết xanh-núi đá; các kinh nghiệm chuyên gia. 6 điều chỉnh đó là quy mô ranh giới, thời hạn quy hoạch; tính chất chức năng; quy hoạch tầng cao; các chỉ tiêu sử dụng đất; kết nối mặt nước, hệ thống giao thông thuỷ; phát triển đô thị theo mô hình TOD là mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng, tạo điều kiện cho việc gia tăng mật độ dân cư.

Đối với quy hoạch phân khu khu vực Bái Đính (khu 4) trong điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040. Phạm vi lập nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch phân khu Khu vực Bái Đính (khu 4) nằm về phía Tây Bắc khu đô thị Ninh Bình (liên quan trực tiếp đến địa giới hành chính các xã, phường: một phần xã Gia Tân, huyện Gia Viễn; một phần xã Phúc Sơn, Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan) có giới hạn như sau: Phía Bắc giáp sông Hoàng Long; Phía Tây và Tây Nam giáp sông Bến Đang; Phía Đông và Đông Nam giáp khu vực vùng lõi quần thể danh thắng Tràng An và Cố đô Hoa Lư; Diện tích khoảng 3.046 ha; Dân số năm 2040 khoảng 38.000 - 40.000 người. Theo thời hạn điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 668/QĐ-TTg ngày 26/3/2025. Khu đô thị Bái Đính là khu vực chức năng đặc thù, biệt lập với các khu vực đô thị tập trung hiện hữu. Khu vực có nhiều giá trị cảnh quan, văn hóa hấp dẫn, có dự án động lực là Khu du lịch Chùa Bái Đính; tiếp cận thuận lợi với các điểm du lịch khác của Ninh Bình và được định hướng phát triển các dự án động lực khác. Hiện trạng khu vực phát triển chưa nhiều, mật độ xây dựng thấp, đan xen giữa các khu vực đồi núi, đất sản xuất nông nghiệp và cụm dân cư. Dự án Chùa Bái Đính đang được xây dựng và liên tục điều chỉnh trong giai đoạn vừa qua, cần được định hướng xây dựng tổng thể. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật đang được được đầu tư xây dựng, cần có kế hoạch triển khai, phát triển phù hợp với xây dựng các khu vực chức năng. Điều chỉnh tính chất, chức năng quy hoạch phân khu năm 2015 là vùng đệm sinh thái phía Tây, gắn với khu du lịch văn hoá chùa Bái Đính; Là trung tâm dịch vụ công cộng, dịch vụ du lịch vành đai phía Tây của đô thị Ninh Bình, phát triển dân cư mới với hạ tầng đồng bộ hiện đại kết hợp cải tạo, chỉnh trang làng xóm hiện trạng; Là khu sinh thái nông nghiệp gắn với loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm.

Đối với Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu các khu vực trong Quần thể danh thắng Tràng An (các khu 3-1, 3-2, 3-3 trong Quy hoạch chung Đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050). Phạm vi lập điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu các khu vực trong quần thể danh thắng Tràng An (các khu 3-1, 3-2, 3-3 trong Quy hoạch chung Đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thuộc Khu 8 và Khu 9 trong Quy hoạch phân khu năm 2023, được giới hạn như sau: Khu 8 -  Khu vực Thung Nham: Giới hạn, phạm vi nằm phía Nam Quần thể danhThắng Tràng An, thuộc địa giới hành chính xã Ninh Hải, thành phố Hoa Lư, tỉnh NinhBình. Khu 9 - Khu vực Gia Sinh:  Nằm phía Tây Quần thể danh Thắng Tràng An, thuộc địa giới hành chính xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình Các khu vực khác giữ nguyên theo Quyết định số 461/QĐ-UBND ngày 21/6/2023 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng khu vực từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đến năm 2040.

Nội dung điều chỉnh khoảng 91,8 ha đất thương mại dịch vụ, nhóm ở hiện trạng, cây xanh cảnh quan, an ninh quốc phòng, nông nghiệp tại khu đất phía Đông Nam chùa Bái Đính thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn thành đất phát triển dịch vụ du lịch (chủ đề văn hóa, nông nghiệp, trải nghiệm, sinh thái, cảnh quan). Điều chỉnh khoảng 10,8 ha đất cây xanh cảnh quan, thương mại dịch vụ tại khu vực Thung Ui, thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn thành đất phát triển dịch vụ du lịch (chủ đề văn hóa, nông nghiệp, trải nghiệm, sinh thái, cảnh quan). Điều chỉnh khoảng 60,3 ha đất đồi núi, lâm nghiệp, nông nghiệp tại khu vực Thung Vàm, thuộc xã Gia Sinh huyện Gia Viễn và xã Ninh Hải, thành phố Hoa Lư thành đất phát triển dịch vụ du lịch (chủ đề văn hóa, nông nghiệp, trải nghiệm, sinh thái, cảnh quan). Bổ sung chỉ tiêu xây dựng chọn các ô đất phát triển dịch vụ du lịch bao gồm: Diện tích tự nhiên ô đất; mật độ xây dựng gộp từ 25%; tầng cao tối đa 3 tầng; hệ số sử dụng đất tối đa của ô đất 0,75 lần.

anh tin bai

Đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu hội nghị

Qua nghe các báo cáo, các đại biểu cơ bản đồng tình với các nội dung dự thảo của đồ án và đồng thời tập trung cho ý kiến cụ thể vào từng nội dung điều chỉnh, bổ sung trong đó có đề nghị chỉ rõ các điểm nhấn đô thị, làm rõ chức năng chính và chức năng dẫn dắt, định hướng không gian của các phân khu để xử lý triệt để các bất cập của quy hoạch cũ, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa Sở Xây dựng, đơn vị tư vấn với các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan trong quá trình lập các đồ án trong đó có thể thành lập tổ chuyên gia tư vấn từng lĩnh vực; cần cập nhật những biến động về đất đai, có phương án bố trí hạ tầng kỹ thuật khung như giao thông, cấp thoát nước, xử lý chất thải phù hợp với tính chất và quy mô phát triển của đô thị mới; việc xây dựng quy hoạch phải theo hướng mở vừa bảo vệ nghiêm ngặt khu vực Tràng An, vừa phục dựng hệ sinh thái khu vực này, phải có sự liên kết với các quy hoạch khác, trong đó cần nghiên cứu mở rộng không gian phát triển sau khi sáp nhập tỉnh; cân nhắc bố trí các khu đô thi cao tầng tránh việc phá vỡ không gian cảnh quan di sản.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc ghi nhận sự nỗ lực cố gắng của Sở Xây dựng chỉ trong thời gian ngắn đã nhanh chóng phối hợp với đơn vị tư vấn để xây dựng và cơ bản hoàn thiện các Đồ án quy hoạch phân khu đô thị trong điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040.

Đồng chí cũng nhấn mạnh đây là lĩnh vực khó, yêu cầu cao do đó trong tư duy, phương pháp lập quy hoạch phải đánh giá được thực trạng kết quả triển khai để khái quát định hướng, tinh thần, tính chất của từng phân khu, từ đó đưa ra triết lý, quan điểm, giải pháp để cải tạo, chỉnh trang cho phù hợp. Quy hoạch cũng phải đảm bảo kết nối liên thông giữa các phân khu tạo nên mảnh ghép hài hòa, đông thời phải có sự đồng bộ với các quy hoạch khác, tránh chồng lấn, trùng nhiệm vụ quy hoạch.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở xây dựng và đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại hội nghị đồng thời tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh các đồ án đảm bảo tiến độ, chất lượng theo yêu cầu trong đó cần ưu tiên khẩn trương hoàn thành các đồ án có tính cấp bách để đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh giai đoạn hiện nay

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe đơn vị tư vấn báo cáo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Tam Điệp đến năm 2045.

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Tam Điệp đến năm 2030 được UBND Tỉnh phê duyệt tại quyết định số 411/QĐ-UBND ngày 10/6/2014 (từ đây gọi tắt là QHC năm 2014); Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Tam Điệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (từ đây gọi tắt là ĐC CB QHC năm 2018) được UBND Tỉnh phê duyệt tại quyết định 1333/QĐ-UBND ngày 19/10/2018. Tuy nhiên đến nay định hướng của đồ án QHC năm 2014, ĐC CB QHC năm 2018 đã không còn phù hợp và cần phải thực hiện điều chỉnh tổng thể, cụ thể như sau:

Thứ nhất, sau thời gian 5 năm theo Điều 46, Điều 47 Luật Quy hoạch đô thị 2009 (điều kiện điều chỉnh quy hoạch đô thị) được sửa đổi bởi Khoản 8 Điều 29 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch; QHC năm 2014, ĐC CB QHC năm 2018 đã đến thời hạn rà soát định kỳ. Thành phố phải rà soát, đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, thành phố tập trung phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII trong đó, tập trung xây dựng Tam Điệp thực sự là một trong ba vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Muốn đạt mục tiêu này phải nâng quy mô, hiện đại hóa tính chất ngành, đẩy mạnh phát triển kinh tế công nghiệp, vật liệu xây dựng, thương mại, dịch vụ và công nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu. Tạo điều kiện huy động các nguồn vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị đạt chuẩn tiêu chí đô thị loại II.

Thứ ba, sự hình thành các dự án có ý nghĩa quốc gia trên địa bàn thành phố; cũng như yêu cầu khai thác, phát huy lợi thế về vị trí địa lý và nguồn lực của thành phố và yêu cầu phát triển đô thị trong thời kỳ mới, cần được rà soát điều chỉnh.

Thứ tư, Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Tam điệp được định vị là thành phố Công nghiệp hiện đại. Tập trung khuyến khích phát triển hiện đại, thân thiện với môi trường, ứng dụng sản xuất, chế biến công nghệ cao trong các ngành nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ. Chính vì thế, Việc lập điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Tam Điệp đến năm 2045 là rất cần thiết và có ý nghĩa chiến lược to lớn. Điều chỉnh tổng thể quy hoạch đô thị phải đảm bảo đáp ứng được yêu cầu thực tế, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội và định hướng phát triển của đô thị trong tương lai, nâng cao chất lượng môi trường sống, cơ sở hạ tầng cảnh quan đô thị; bảo đảm tính kế thừa, không ảnh hưởng lớn đến các dự án đầu tư đang triển khai; đồng thời phản ánh đầy đủ quá trình phát triển và vai trò của thành phố trong mối quan hệ trong tỉnh và các vùng phụ cận. Làm cơ sở để thu hút các dự án đầu tư, quản lý, kiểm soát và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch.

Tam Điệp thuộc vùng trung tâm của Tỉnh Ninh Bình, là đô thị cửa ngõ phía nam, được định hướng trong quy hoạch tỉnh với tính chất: “Tam Điệp là đô thị loại II thành phố công nghiệp - dịch vụ”. Theo quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (QĐ 891/QĐ-TTg ngày 22/08/2024 của Thủ tướng Chính phủ) xác định tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương - Đô thị loại I thì thành phố Tam Điệp có cơ hội trở thành 01 quận của Ninh Bình. Thành phố Tam Điệp có tổng diện tích là khoảng 104,97 km2; có 6 lợi thế phát triển chính: Cao tốc Bắc Nam đoạn Mai Sơn - QL45 có nút giao lớn với trục Đông - Tây của Tỉnh Ninh Bình; Nhà ga cho dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam dự kiến nằm ở huyện Yên Mô, gần TP Tam Điệp; Vùng nguyên liệu nông-lâm nghiệp; iềm năng phát triển công nghiệp; Sân bay nội địa Thọ Xuân - Thanh Hóa dự kiến nâng cấp lên sân bay Quốc tế trước 2050; TP Tam Điệp thuận lợi kết nối với Khu Kinh tế Ninh Cơ & cảng Lạch Huyện.

Tam Điệp có tiền đề phát triển: Trở thành đô thị công nghiệp hiện đại, hấp dẫn; là một trong những đầu mối Logistic cấp vùng; cơ hội lớn trong hành lang kinh tế Đông Bắc Bộ - Bắc Trung Bộ; thu hút du lịch từ dòng du khách từ Hoa Lư, Ninh Bình và Thanh Hóa; Phát triển TOD theo hệ thống đường sắt cấp tỉnh và quốc gia.

Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn tồn tại của quy hoạch chung năm 2014: Việc quy hoạch QL1A rộng 50m đã ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất của khoảng 1.500 hộ dân. Ảnh hưởng đến diện tích xây dựng các Đền: Đền Dâu, Đền Quán Cháo; Tuyến đường Vành đai không hiệu quả do đã hình thành tuyến đường Đông  - Tây…

Tại hội nghị các đại biểu nhất trí cao với đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Tam Điệp đến năm 2045; các đại biểu cho rằng đây là đồ án Quy hoạch cần thiết để đáp ứng được yêu cầu thực tế, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội và định hướng phát triển của đô thị trong tương lai và là cơ sở thu hút các dự án đầu tư, quản lý, kiểm soát và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch nhằn nâng cao chất lượng môi trường sống.

anh tin bai

Đồng chí  Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.

Về Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Tam Điệp đến năm 2045, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc đánh giá cao sự nỗ lực, trách nhiệm của UBND thành phố Tam Điệp và đơn vị tư vấn đã có những nghiên cứu sâu và tầm nhìn chiến lược, dài hạn cho sự phát triển của thành phố.

Đồng chí nhấn mạnh: Quy hoạch này vẫn có giá trị, là cơ sở định hướng không gian phát triển cho chính quyền cấp xã mới sau khi sắp xếp. Để thực hiện được chiến lược phát triển Tam Điệp là thành phố tăng trưởng xanh, tuần hoàn thì cần sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn cần có sự chủ động trong chuyển đổi mô hình, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh để phù hợp với định hướng phát triển. Đồng chí đề nghị UBND thành phố Tam Điệp, đơn vị tư vấn và các đơn vị có liên quan tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, hoàn thiện Đồ án và các hồ sơ có liên quan, sớm báo cáo trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

An Na
  • Từ khóa :
Tin mới
Video nổi bật
UBND tỉnh gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp tháng 4/2025
  • UBND tỉnh gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp tháng 4/2025
  • UBND tỉnh Ninh Bình gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã định kỳ tháng 9
1 2