Để hiểu rõ hơn về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó cùng tìm biện pháp tháo gỡ, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn, hàng năm, Cục Hải quan Hà Nam Ninh đều tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp. Cùng với đó, mặc dù những năm gần đây ngành Hải quan đã có nhiều nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính nhưng qua thực tế giải quyết tại cơ sở đã phát sinh vướng mắc cần có sự hỗ trợ trực tiếp, giải quyết từ cơ quan chuyên môn. Do vậy, việc tổ chức các buổi đối thoại cũng là dịp để ngành Hải quan và doanh nghiệp chia sẻ thông tin, cùng thảo luận các cơ chế hợp tác phù hợp, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Công ty cổ phần Bảo Linh cho biết, mặc dù thị trường xuất khẩu hàng may mặc năm nay có dấu hiệu khởi sắc nhưng vẫn chịu nhiều tác động ngoại cảnh từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới. Bên cạnh đó, những thay đổi của chính sách dẫn đến doanh nghiệp còn băn khoăn, vướng mắc về việc lựa chọn sử dụng các dịch vụ khai và làm thủ tục hải quan; khắc phục các rủi ro thường gặp khi khai báo sai tên người xuất, nhập khẩu; khai sai về chủng loại hàng hóa; nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện miễn thuế; quy định về thông báo gia công lại một phần của quá trình sản xuất, xuất khẩu…
Tại các cuộc đối thoại trực tiếp của ngành Hải quan đã có hàng trăm doanh nghiệp tham gia cho thấy sự quan tâm đối với những vấn đề liên quan đến công tác Hải quan, thủ tục xuất nhập khẩu. Nhiều ý kiến của doanh nghiệp về tháo gỡ khó khăn trong cơ chế, chính sách đã được đưa ra thảo luận ngay tại hội trường. Ngành Hải quan và các đơn vị có liên quan sẵn sàng lắng nghe, kịp thời giải đáp thấu đáo các thắc mắc cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phòng Xuất nhập khẩu, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Minh Tâm chia sẻ: Đến với hội nghị đối thoại doanh nghiệp và Hải quan, tôi đưa ra câu hỏi về thủ tục thông quan với hàng hóa của doanh nghiệp và đã được lãnh đạo Cục Hải quan Hà Nam Ninh trực tiếp giải đáp những vướng mắc một cách nhiệt tình, trách nhiệm, thỏa đáng. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp nắm bắt, cập nhật các chính sách pháp luật mới về hải quan mà còn giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình làm thủ tục hải quan, cũng như động viên doanh nghiệp nỗ lực hơn nữa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.
Để hỗ trợ doanh nghiệp một cách thực chất, bền vững, ngay trong "Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030", một nội dung quan trọng được đề cập đó là: Xây dựng mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh theo hướng: Hiện đại, chuyên nghiệp, phù hợp với xu hướng tự do hóa toàn cầu; áp dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của Hải quan các nước phát triển; các yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hành chính nhà nước hướng tới xây dựng Chính phủ số, Chính phủ điện tử, hệ thống Hải quan số, Hải quan thông minh sẽ cho phép doanh nghiệp khai báo thủ tục hải quan mọi lúc, mọi nơi, trên mọi công cụ. Điều này đã giúp thời gian thông quan hàng hóa thuận tiện, nhanh chóng, giảm chi phí logistics. Các doanh nghiệp đã được sử dụng phần mềm khai báo miễn phí do cơ quan Hải quan cung cấp và chỉ cần khai thông tin hàng hóa một lần để thực hiện nhiều thủ tục hành chính thông qua hệ thống một cửa quốc gia. Trong suốt quá trình thông quan hàng hóa, doanh nghiệp cũng dễ dàng theo dõi tiến trình xử lý của các cơ quan quản lý nhà nước trong chuỗi cung ứng đảm bảo công khai, minh bạch, thuận tiện.
Bà Nguyễn Thu Nhiễu, Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nam Ninh cho biết: Thực hiện phương châm của Chính phủ: "Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ" và trên tinh thần đồng hành, lắng nghe, chia sẻ với doanh nghiệp để cùng vượt qua khó khăn, thách thức, Cục Hải quan Hà Nam Ninh luôn nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu. Thời gian thông quan, giải phóng hàng giảm mạnh so với trước đây. Thời gian từ khi tiếp nhận tờ khai xuất khẩu đến khi quyết định thông quan giảm 1 giờ 28 phút.
Hiện nay, Cục Hải quan Hà Nam Ninh đang tiến hành trên 1.000 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực ngành quản lý và đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình cho phép doanh nghiệp nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tuyến thông qua mạng Internet... Việc điện tử hóa công tác quản lý hành chính, cập nhật tờ khai, số liệu, truyền tin đầy đủ và kịp thời, đảm bảo cho việc khai thác số liệu và phục vụ công tác quản lý rủi ro của ngành. Tại Chi cục Hải quan Ninh Bình đang có khoảng 200 doanh nghiệp làm thủ tục và đều được làm trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, 100% hồ sơ được giải quyết đúng hạn. Hồ sơ được tiếp nhận, xử lý và lưu trữ đúng theo quy định.
Như vậy, với việc tăng cường ứng dụng công nghệ tin học, hiện đại hóa ngành Hải quan đã hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều trong việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nhất là với lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu từ đầu năm đến nay có dấu hiệu phục hồi tích cực. Riêng đối với tỉnh Ninh Bình, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn rất khó đoán định, nhu cầu hàng hóa tại nhiều thị trường lớn sụt giảm nhưng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc nâng cao hiệu quả khai thác các thị trường truyền thống và những thị trường mới, thị trường tiềm năng, tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm của tỉnh Ninh Bình đạt 1.390 triệu USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu có mức tăng khá so với cùng kỳ như: linh kiện điện tử tăng 43%; hàng thêu ren tăng 45%; kính quang học tăng 33,2%; linh kiện phụ tùng ô tô các loại tăng 78,4%; đồ chơi trẻ em tăng gấp 2,8 lần… Cùng với đó, tổng kim ngạch nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm đạt trên 1.214,9 triệu USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ, tập trung vào các nhóm mặt hàng như: linh kiện điện tử, linh kiện phụ tùng ô tô, phụ liệu sản xuất giày dép, vải may mặc, máy móc thiết bị… Với sự khởi sắc của thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp đã có điều kiện thực hiện tốt hơn nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước.
Bà Nguyễn Thu Nhiễu, Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nam Ninh cho biết thêm: Hướng tới xây dựng Hải quan thông minh, thực hiện chuyển đổi số, Cục Hải quan Hà Nam Ninh tiếp tục nỗ lực hoàn thiện hạ tầng thiết bị để hệ thống mạng được thông suốt và có tính bảo mật cao, đào tạo nâng cao trình độ nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời tiếp tục phát triển quan hệ đối tác Hải quan-doanh nghiệp để giải đáp, phổ biến các quy định, cơ chế, chính sách mới liên quan đến TTHC, đồng thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn để xử lý kịp thời trên tinh thần hết việc chứ không hết giờ.
Với mục tiêu đồng hành, là đối tác tin cậy của doanh nghiệp, ngành Hải quan đang tiếp tục có những nỗ lực trong cải cách hành chính, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp rút ngắn thời gian thông quan, tạo thuận lợi thương mại, thông quan hàng hóa, góp phần vào tăng trưởng kinh tế-xã hội của tỉnh.