Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đã phối hợp với Sở Tài chính TP. Hà Nội tổ chức tọa đàm về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tách bạch chức năng chủ sở vốn với chức năng quản lý nhà nước
Trình bày tóm tắt về những điểm mới của dự thảo Luật, ông Nguyễn Duy Long, Trưởng phòng chính sách tổng hợp, Cục Tài chính doanh nghiệp - thành viên Tổ biên tập xây dựng Luật cho hay, Luật gồm 09 Chương và 92 Điều.
Trong đó, tại chương II, Luật xác định rõ nội dung quản lý vốn nhà nước (Điều 8); quy định cụ thể nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ (Điều 9); quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, của Kiểm toán Nhà nước và của Bộ Tài chính trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Điều 10).
Theo dự thảo, Thủ tướng Chính phủ thực hiện một số quyền của chủ sở hữu vốn tại một số doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư lớn, giữ vị trí, vai trò chủ đạo, then chốt, quan trọng quốc gia của nền kinh tế trong từng thời kỳ; còn lại giao cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn thực hiện các quyền hạn, nghĩa vụ như một nhà đầu tư và bình đẳng như các nhà đầu tư khác. |
Các nội dung quy định này để tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở vốn với chức năng quản lý nhà nước, phân công rõ, phân cấp mạnh về công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, báo cáo, giải trình việc đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo hướng: Nhà nước, Chính phủ quản lý đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quản lý theo phần vốn tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý theo phần vốn tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác.
Về quản trị doanh nghiệp, tại Chương VII, dự thảo Luật xác định nguyên tắc quản trị đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư.
Theo đó, không quy định các nội dung quản trị của doanh nghiệp và chỉ quy định quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư, đồng thời quy định doanh nghiệp được tổ chức quản lý theo hình thức quy định của pháp luật doanh nghiệp và các quy định tại Luật này, trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của pháp luật doanh nghiệp và quy định tại Chương này thì áp dụng theo quy định tại Luật này.
Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương, thưởng của doanh nghiệp
Về quyền của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư, dự thảo xác định chính sách tiền lương, tiền thưởng của doanh nghiệp theo nguyên tắc: doanh nghiệp tự quyết định chính sách tiền lương, tiền thưởng, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương, tiền thưởng của doanh nghiệp; xác định tiền lương, tiền thưởng được gắn với nhiệm vụ, điều kiện sản xuất kinh doanh, ngành nghề, tính chất hoạt động, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm mặt bằng tiền lương trên thị trường.
Trường hợp doanh nghiệp thực hiện khoán chi phí tiền lương, tiền thưởng trong quỹ lương đảm bảo nguyên tắc gắn với kết quả, hiệu quả quản lý, sử dụng và vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Mức lương cơ bản, tiền lương tăng thêm và tiền thưởng theo năm gắn với quy mô, mức độ phức tạp của công tác quản lý và hiệu quả sản xuất kinh doanh và được điều chỉnh phù hợp theo mức lương của thị trường trong nước và khu vực.
Dự thảo quy định doanh nghiệp dịch vụ công ích được tính đúng, tính đủ chi phí tiền lương, tiền thưởng phù hợp với mặt bằng thị trường vào chi phí, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công ích. Chính sách tiền lương, tiền thưởng bảo đảm điều tiết thu nhập, hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp, người quản lý, người lao động và Nhà nước. |
Tổng giám đốc và các thành viên ban điều hành làm việc theo chế độ hợp đồng lao động và hưởng lương trong quỹ lương chung của doanh nghiệp.
Thực hiện công khai tiền lương, thu nhập hằng năm của người đại diện sở hữu vốn nhà nước và Tổng giám đốc doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp làm nhiệm vụ bình ổn thị trường theo nhiệm vụ được Nhà nước giao được tính toán, xác định để loại trừ những chi phí bảo đảm thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường, làm cơ sở xác định tiền lương, tiền thưởng của người lao động và người quản lý doanh nghiệp.
Những nội dung quy định nêu trên, để thực hiện nguyên tắc Nhà nước không thực hiện quản lý pháp nhân doanh nghiệp, nhà nước là chủ sở hữu và quản lý dòng vốn theo phần vốn đầu tư tại doanh nghiệp, không can thiệp hành chính vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân doanh nghiệp, doanh nghiệp sử dụng vốn theo đúng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tách bạch, phân định với chức năng của chủ sở hữu vốn.
Tại cuộc tọa đàm, đại diện nhiều doanh nghiệp của TP. Hà Nội như Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC, Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà Hà Nội, Tổng công ty Chiếu sáng đô thị, Tổng công ty Nước sạch Hà Nội… đánh giá dự thảo có nhiều nội dung quan trọng tạo bước đột phá trong nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nêu nhiều đề xuất để hoàn thiện dự thảo luật như việc tăng tỷ lệ trích lập quỹ đầu tư phát triển để doanh nghiệp có thêm nguồn vốn đầu tư cho phát triển; việc phân cấp quản lý giữa doanh nghiệp F1 và F2, F3; tỷ lệ trích tiền lương, thưởng; thẩm quyền, trình tự công tác nhân sự trong doanh nghiệp…
Theo ông Nguyễn Xuân Lưu, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, đây là dự luật có ý nghĩa rất quan trọng với thành phố, đặc biệt khi Luật Thủ đô vừa được thông qua với nhiều chính sách, cơ chế mới cho thành phố. Hiện Hà Nội có 56 doanh nghiệp có vốn nhà nước, với số vốn trên 1 tỷ USD, trong đó có nhiều doanh nghiệp rất đặc thù.
Thành phố Hà Nội kỳ vọng qua việc xây dựng luật mới này sẽ tạo điều kiện cho thành phố thực hiện được những chính sách, cơ chế thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội, Chính phủ trao cho Hà Nội.
Với ý nghĩa như vậy, sau hội thảo hôm nay, ông Nguyễn Xuân Lưu đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, nghiên cứu để đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết để khi dự thảo luật được thông qua đảm bảo triển khai khả thi, hiệu quả như kỳ vọng.