Dấu hiệu tích cực
Nhà máy Giấy HKB - Hoa Lư (Công ty cổ phần giấy HKB Hoa Lư) tại Cụm công nghiệp Văn Phong, Nho Quan đi vào hoạt động từ năm 2023, trong điều kiện nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thị trường xuất khẩu bị hạn chế. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của lãnh đạo Công ty, năm 2023 tổng sản lượng giấy thành phẩm của nhà máy đã đạt gần 72 nghìn tấn, trong đó những tháng cuối năm đã đạt công suất thiết kế trung bình ở mức 12,5 tấn. Sản phẩm của HKB có tỷ lệ xuất khẩu chiếm khoảng 75%, thị trường chính của Công ty là Trung Quốc và Singapore.
Ông Giang Văn Ánh, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Ngay trong tháng đầu tiên của năm mới, Nhà máy Giấy HKB - Hoa Lư đã đón nhận tin vui khi tổng sản lượng xuất khẩu tháng 1 đạt gần 10 nghìn tấn. Hiện nay, Nhà máy đã có đủ đơn hàng để sản xuất trong thời gian dài, chính vì vậy, ngay sau kì nghỉ Tết Nguyên đán, Nhà máy đã đi vào hoạt động với công suất đạt tối đa. Thêm vào đó, tình hình xuất khẩu đang có những tín hiệu khả quan nên chúng tôi tin tưởng năm 2024 sẽ là một năm khởi sắc và chắc chắn sẽ đạt mục tiêu phấn đấu của Nhà máy sản xuất 150 tấn/năm, trong đó sản phẩm loại A đạt trên 98%.
Sở hữu chuỗi sản xuất rau quả khép kín, quy mô lớn, với hệ thống nhà máy chế biến đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất mà các thị trường khó tính yêu cầu, ngay từ những ngày đầu năm Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) đã khá bận rộn, do đơn hàng dày đặc đã ký kết từ những tháng cuối năm.
Chia vui về những thành công của Công ty trong năm 2023, ông Đinh Gia Nghĩa, Phó Tổng giám đốc Công ty cho biết: Năm 2023, doanh thu của Công ty đạt 2.800 tỷ đồng. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 60 triệu USD, chiếm hơn 80% tổng doanh thu của Doveco. Mặc dù kinh tế thế giới bị suy giảm nhưng Công ty vẫn bứt phá, tăng trưởng 180% và là một trong những đơn vị đứng đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường EU. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là: Isarel, EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Mỗi tháng Công ty xuất từ 60-80 cont hàng. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu gồm: Sản phẩm cô đặc - puree như: dứa, chanh dây, chuối, vải; sản phẩm đông lạnh như: dứa, xoài, rau chân vịt, ngô ngọt, đậu tương rau, hành, măng…; sản phẩm đóng hộp như: ngô ngọt, dứa, vải…
Lãnh đạo Công ty cho rằng: Năm 2024 sẽ tiếp tục là một năm Công ty gặt hái nhiều thành công trong lĩnh vực xuất khẩu bởi khách hàng tại các thị trường lớn vẫn tin và lựa chọn Doveco là nhà cung cấp đáng tin cậy. Yếu tố để có khách hàng ngay cả khi khó khăn chính là cách thức sản xuất, kinh doanh chuyên nghiệp, lấy chất lượng làm đầu của doanh nghiệp.
Cần sự nỗ lực lớn hơn để tạo bứt phá
Với cố gắng, nỗ lực của các doanh nghiệp cùng với sự đồng hành, vào cuộc của các cấp, các ngành để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu, do vậy, hoạt động xuất khẩu vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng dương của những tháng cuối năm 2023.
Bước sang năm 2024, cùng với các ngành kinh tế khác, hoạt động xuất, nhập khẩu đã có sự khởi sắc ngay từ đầu năm. Giá trị xuất khẩu tháng 1/2024 đạt trên 293,7 triệu USD, tăng 43% so với cùng tháng năm trước. Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn trong tháng gồm: Linh kiện điện tử 6,3 triệu USD; phôi nhôm 7,8 triệu USD; linh kiện phụ tùng ô tô các loại 14,7 triệu USD; quần áo các loại 27 triệu USD; xi măng và clanke 48,1 triệu USD; giày dép 77,4 triệu USD; camera và linh kiện 78,7 triệu USD...
Theo báo cáo của Sở Công Thương, trong tháng 1 năm nay hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều tăng so với cùng kỳ, một số mặt hàng chủ lực tăng khá như: Dứa, dưa chuột đóng hộp 796 tấn, tăng 57,3%; nước dứa cô đặc 150 tấn, tăng 26,1%; quần áo các loại 4,7 triệu chiếc, tăng 31,1%; sản phẩm cói 226,5 nghìn chiếc, gấp 5,7 lần; xi măng, clanke 1,2 triệu tấn, tăng 26,8%; giầy dép các loại 5,3 triệu đôi, tăng 35,4%; camera và linh kiện 19,8 triệu sản phẩm, tăng 8,1%; kính quang học 200 nghìn chiếc, gấp 3,1 lần; phôi nhôm 3,2 nghìn tấn, gấp 5,3 lần; đồ chơi trẻ em 1,4 triệu chiếc, tăng 54,2%...
Cùng với đó, giá trị nhập khẩu tháng 1 đạt gần 270 triệu USD, tăng 0,8% so với tháng 1/2023. Trong đó, trị giá các nhóm mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tháng gồm: Linh kiện điện tử 82,9 triệu USD; linh kiện phụ tùng ô tô các loại 78,2 triệu USD; phụ liệu sản xuất giày dép 53,1 triệu USD; vải may mặc 13,9 triệu USD.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực ngay từ đầu năm, song theo nhận định của ngành Công Thương, hoạt động xuất, nhập khẩu năm 2024 vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định.
Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, ông Ngô Minh Kim, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Sở Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cam kết trong các Hiệp định FTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp giấy chứng nhận xuất xứ, cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các FTA. Đồng thời, tăng cường hoạt động cung cấp thông tin thị trường trên nền tảng số cho doanh nghiệp.
Để đạt được mục tiêu xuất khẩu năm 2024 phấn đấu đạt 3,25 tỷ USD, tăng 2,8% so với năm 2023, Sở Công Thương cho rằng rất cần sự triển khai đồng bộ của các cấp, ngành và sự tham gia tích cực hơn nữa của cộng đồng doanh nghiệp xuất, nhập khẩu.