;"
Hiệu quả từ các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp
Lượt xem: 1558
Năm 2023, do ảnh hưởng của tình hình thế giới, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, tỉnh Ninh Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh. Do đó, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023 toàn tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng dương so với năm trước.
Hiệu quả từ các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp

Dây chuyền sản xuất sản phẩm kính tại Nhà máy kính tiết kiệm năng lượng chất lượng cao CFG Ninh Bình (KCN Khánh Cư, Yên Khánh). Ảnh: Anh Tuấn

Chỉ đạo quyết liệt 

Đánh giá về tình hình sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2023, đồng chí Dương Đức Đằng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Năm 2023, sản xuất công nghiệp của tỉnh phải đối mặt với những ảnh hưởng tiêu cực từ các yếu tố bên ngoài như: Nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế thấp nên các doanh nghiệp không ký được đơn hàng mới, thậm chí còn bị hủy các đơn đặt hàng đã ký, tính cạnh tranh của hàng trong nước và hàng nhập khẩu đều cao, thiếu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, hàng tồn kho tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp phải chủ động cắt giảm mức sản xuất. 

Xác định được những yếu tố bất lợi trong sản xuất, ngay từ đầu năm, tỉnh đã tổ chức 3 đoàn kiểm tra, động viên sản xuất đầu Xuân Quý Mão tại 8 huyện, thành phố. UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Với phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp, lãnh đạo UBND tỉnh thường xuyên kiểm tra thực tế, nghe báo cáo và chỉ đạo giải quyết ngay những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức và cá nhân. 

UBND tỉnh tổ chức "Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp"; duy trì đối thoại định kỳ hàng tháng, được các doanh nghiệp, hợp tác xã hưởng ứng tích cực, góp phần tạo niềm tin, sự đồng thuận, quyết tâm, nỗ lực vượt qua khó khăn. 

UBND tỉnh đã làm việc với Đoàn công tác của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về tình hình cung ứng điện, trong đó xác định thứ tự ưu tiên, phương án cắt giảm điện đối với từng khu vực, thời điểm thích hợp, đảm bảo sản xuất cho các nhà máy sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh. 

UBND tỉnh đã tập trung cao trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng... 

Giải pháp hiệu quả 

Với sự chỉ đạo quyết liệt từ UBND tỉnh, hàng loạt các giải pháp hữu hiệu đã được các cấp, các ngành thực thi. Trong đó, phải kể đến các chính sách tài khóa hỗ trợ về thuế, vốn tín dụng nhằm giúp doanh nghiệp, người dân giảm áp lực chi phí, vượt qua khó khăn. Theo đó, tỉnh đã thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường trên 137,4 tỷ đồng; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng 566,5 tỷ đồng; gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt 1.576 tỷ đồng; giảm thuế giá trị gia tăng 325,9 tỷ đồng. 

Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng bằng phương thức điện tử đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng, đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước và tạo điều kiện cho doanh nghiệp quay vòng vốn nhanh, nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; đã thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng cho 67 hồ sơ đề nghị với số tiền là 485,7 tỷ đồng. 

Cùng với đó, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cơ bản đảm bảo vốn tín dụng cho phát triển sản xuất và tiêu dùng, triển khai thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng theo chủ trương của Chính phủ, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế; tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới; tập trung đánh giá, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp để triển khai các giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng ngân hàng nhằm phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 66.058 tỷ đồng, tăng 13,6% so với đầu năm, đáp ứng 58,23% tổng dư nợ tín dụng; tổng dư nợ cho vay ước đạt 113.450 tỷ đồng, tăng 3,64% so với đầu năm. 

Để hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh đã tập trung hướng dẫn các đơn vị thụ hưởng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia (KCQG), khuyến công địa phương (KCĐP) xây dựng và triển khai các đề án đã được phê duyệt năm 2023; đến nay, đã hoàn thành 3/3 đề án KCQG với tổng kinh phí hỗ trợ 3,5 tỷ đồng, đang triển khai thực hiện 28/32 đề án KCĐP với tổng kinh phí hỗ trợ trên 3,6 tỷ đồng. Đã triển khai 33/36 đề án xúc tiến thương mại với tổng kinh phí trên 3,8 tỷ đồng, 3 đề án xin dừng thực hiện. 

Song song với việc thực thi các giải pháp về tài khóa, tỉnh Ninh Bình tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phát triển xuất, nhập khẩu tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025; xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị phổ biến phương pháp vận dụng quy tắc xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện, khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng theo dõi, nắm bắt tình hình lao động việc làm của các doanh nghiệp, tăng cường công tác tư vấn giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động; thường xuyên theo dõi, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ kịp thời, đẩy mạnh hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh, khuyến khích doanh nghiệp và cơ sở đào tạo ký kết hợp tác đào tạo lao động… 

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, giá trị GRDP ngành công nghiệp của tỉnh năm 2023 đạt 14.404,76 tỷ đồng, tăng 1,51% so với năm 2022; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023 toàn tỉnh đạt 102.893,2 tỷ đồng, tăng 3,4% so với năm trước. Mặc dù mức tăng trưởng không cao, song vẫn đạt mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước. Đây chính là động lực để tỉnh Ninh Bình phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch sản xuất công nghiệp của năm 2024 và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của giai đoạn 2020- 2025 đã đề ra.

Theo Baoninhbinh.org.vn
  • Từ khóa :
Tin mới
Video nổi bật
UBND tỉnh gặp gỡ doanh nghiệp, hợp tác xã tháng 7
  • UBND tỉnh gặp gỡ doanh nghiệp, hợp tác xã tháng 7
  • Hội nghị xúc tiến đầu tư huyện Gia Viễn năm 2024
1 2